Một số lễ hội tiêu biểu tại Quảng Nam

01/05/2014 11:51:00 AM

Giá trị văn hoá đặc trưng của vùng văn hoá Quảng Nam được lắng đọng trong lễ hội, trong phong tục tập quán, tâm lý truyền thống; được kết tinh từ quá trình lao động sáng tạo, lối suy nghĩ, lối ứng xử của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất này. Lễ hội ở Quảng Nam mang đậm bản sắc văn hoá dân gian truyền thống và rất đa dạng, phong phú, đặc sắc.

Xin giới thiệu một số lễ hội tiêu biểu tại Quảng Nam

  Lễ hội Cầu Bông
Tổ chức vào một ngày đẹp trời của mùa xuân hằng năm tại sông Hội An, đoạn gần biển Cửa Đại.

Lễ hội Cầu Bông có ý nghĩa như một nghi lễ mở mùa cho một năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây trái quanh năm sum xuê, tươi tốt. Trong lễ hội luôn luôn có tiết mục đua ghe vừa là thi trí, vừa để cầu cho dân cư được mùa, nhà nhà bình an và thịnh vượng.

 
Lễ hội rước Cộ chợ Được
Tổ chức hằng năm vào ngày 10, 11 tháng Giêng Âm lịch, tại chợ Được thuộc xã Bình Triều, huyện Thăng Bình.

Lễ hội rước Cộ chợ Được diễn ra gắn liền với truyền thuyết về cuộc đời Bà Nguyễn Thị Của. Theo truyền thuyết, “Bà” rất hiển linh, thường cho thuốc chữa bệnh cứu nhân độ thế và trị tội những bọn tham quan, ô lại ức hiếp dân lành. Cũng chính "Bà" đã linh ứng tạo dựng nơi bãi cát hoang vắng này thành ngôi chợ sầm uất, mệnh danh là chợ Được (có nghĩa tự dưng được chợ). Để tri ân, tôn vinh vị nữ anh linh này, hương chức và dân chúng địa phương đã  lập lăng thờ Bà.

Lễ hội bao gồm lễ cầu an, truy niệm đức Bà, hội hoa đăng, múa lân, hát dân ca, đua ghe, đá bóng và đặc biệt là lễ rước kiệu Bà từ lăng thờ đi quanh chợ để dân chúng xa gần chiêm bái.
 

  Lễ Nguyên Tiêu
Tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch tại hội quán Triều Châu và hội quán Quảng Triệu (Hội An).

Đối với cộng đồng người hoa ở Hội An, Tết Nguyên tiêu không chỉ là Tết thuần túy mang thú vui thưởng ngoạn mà còn ý nghĩa tâm linh lớn lao, cúng các vị tiền hiền, vừa cầu mong cuộc sống tốt đẹp no đủ, buôn bán phát tài. Đây còn là ngày các quan trời ban bố phước lành cho mọi người trên thế gian, do vậy phải tổ chức cúng tế cầu an, cầu phước, đồng thời mở hội vui chơi để chuẩn bị bước vào công việc của năm mới với nhiều ước vọng như ý. Ngoài phần nghi lễ truyền thống, trong lễ Nguyên Tiêu còn tổ chức múa lân, chơi bài chòi. Lễ hội thu hút khá đông du khách tham dự.
 

  Lễ hội Bà Thu Bồn
Tổ chức hằng năm vào ngày 12 tháng 2 Âm lịch, tại dinh bà Thu Bồn thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên.

Lễ hội Bà Thu Bồn để tưởng nhớ công đức bà BôBô phu nhân (người Champa) biểu tượng của đức độ và sự che chở, đem lại bình yên, thịnh vượng cho nhân dân. Đây là lễ hội truyền thống của người Champa cổ xưa được các thế hệ người Việt kế thừa và bảo lưu đến ngày nay. Lễ hội diễn ra trong không khí tưng bừng náo nhiệt từ sáng sớm đến tối mịt. Ngoài phần tế lễ còn có đua thuyền, rước cộ, rước nước, múa Champa và hát bội... Trong những ngày này, có lúc con sông Thu Bồn như cuộn sóng bởi tiếng hò reo của các trạo thủ và tiếng cổ vũ nồng nhiệt của người xem từ hai bên bờ, nhưng có lúc lắng đọng, êm đềm trong sự hoài niệm về quá khứ.

  Lễ vía Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu
Tổ chức vào ngày 23 tháng 3 Âm lịch hàng năm do người Hoa kiều sinh sống ở Hội An tổ chức tại Hội quán Phúc Kiến và hội quán Ngũ Bang (Hội An).


Lễ vía Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu để tưởng nhớ, suy tôn Bà Thiên Hậu - một vị nữ thần chuyên cứu hộ tàu thuyền mỗi khi gặp nạn trên biển. Lễ vía gồm 2 phần: phần lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống của người Hoa, sau đó là phần hội có múa lân, xin xăm. Trong khuôn viên rộng, trang hoàng rực rỡ, con cháu và du khách thập phương tham dự đông vui.
 
  Lễ hội Long Chu
Tổ chức vào rằm tháng Giêng (Thượng nguyên) Âm lịch, rằm tháng Bảy (Trung nguyên) Âm lịch hằng năm.

Lễ hội Long Chu được tổ chức để tống ôn dịch bệnh vào lúc chuyển mùa và thường được tổ chức ở đình làng hoặc nơi hội họp của thôn, ấp. Lễ hội có tục rước “Long Chu” (thuyền rồng - một biểu tượng oai linh để trừ ôn, tống dịch) từ đình làng đến nơi cần trấn yểm, sau đó đẩy Long Chu trôi ra biển.

Trước ngày lễ, các thầy pháp đặt hương án và yểm bùa những nơi cho là có ma quỉ, theo sau là nam nữ thanh niên tay cầm giáo mác phát quang sạch sẽ đường làng, bờ bụi, miệng hát hò đối đáp trong không khí vui vẻ. Vào ngày lễ chính, Thầy Cả làm lễ tế và sau đó là lễ rước thuyền rồng đi trừ tà ma, dịch tế quanh làng. Các trò chơi dân gian, hát bộ, hát hò khoan... kéo dài suốt ngày đêm.

 
  Lễ tế cá Ông
Tổ chức tại lăng Ông vào ngày kỵ (ngày mất) của cá Ông hoặc nơi có cá Ông chết.

Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa. Lễ cầu an được tổ chức vào đêm đầu tiên tại làng Cá Ông dưới sự điều khiển của các vị chánh bái, là những vị cao niên, có uy tín lớn trong làng chài. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (thường không dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lọng an toàn.

Rạng sáng ngày hôm sau, dân làng đánh trống làm lễ rước trên biển. Tất cả tàu thuyền ra khơi đến một vị trí đã định trước và vị chánh tế tổ chức "xin keo". Đó là lễ Cá Ông chứng dám lòng thành của ngư dân ngoài biển. Vào nửa đêm hôm đó, dân làng làm lễ chánh tế bao gồm lễ khai mõ, đội học trò dâng hương, dàn nhạc trình diễn, hát bội... Trong suốt ngày hội, các tàu thuyền dù ở xa cũng tập trung về bến để tham gia lễ hội Cá Ông.

 
Lễ cúng tổ Minh Hải
Tổ chức vào ngày 7 tháng 11 Âm lịch hàng năm tại chùa Chúc Thánh (Hội An).

Lễ cúng bao gồm các nghi lễ liên quan đến Phật giáo. Sau phần lễ là các hoạt động vui chơi giải trí, văn nghệ, cắm trại và thi các trò chơi dân gian.

   Đêm phố cổ Hội An
Đêm phố cổ Hội An diễn ra vào mồng 01 và 14 Âm lịch hằng tháng, khắp phố phường Hội An trở thành một sân khấu lớn, lung linh và huyền ảo trong muôn ngàn ánh đèn lồng. Người dân trong những bộ xiêm y cổ xưa, trở thành những diễn viên chính trong các hoạt cảnh ngâm thơ, đánh cờ, chơi mạt chược... làm sống lại khung cảnh phồn hoa của cảng thị xưa với những thú vui dân dã trong ngày hội hè.

Cả Khu phố chìm trong tĩnh lặng, không còn tiếng động cơ xe máy, cả du khách và người dân địa phương, cả người Việt lẫn người nước ngoài cùng nhau thong dong bách bộ giữa bầu không khí chân tình tràn đầy cảm xúc và những ấn tượng khó phai.

 
Festival Di sản Quảng Nam
Festival Di sản Quảng Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003, từ đó được tiếp nối định kỳ 2 năm một lần. Đây là một sự kiện văn hoá - du lịch lớn của tỉnh được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, sinh động nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá đặc trưng và quảng bá sản phẩm du lịch Quảng Nam. Các hoạt động của festival tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch lớn như Hội An, Mỹ Sơn, Cù lao Chàm, hồ Phú Ninh và các làng nghề truyền thống. Đến với lễ hội, du khách sẽ được đắm mình trong bầu không khí nhộn nhịp, say mê thưởng thức những loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá Quảng Nam và các vùng miền trong cả nước, tham gia vào các cuộc tranh tài trong những trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao, giải trí... Festival cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của các nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên... và đông đảo du khách đến từ nhiều nước trên thế giới.

Nguồn : http://www.quangnamtourism.com.vn


Top